Victoria Music luôn trân trọng những sự lựa chọn của mọi khách hàng khi mua nhạc cụ và bắt đầu niềm đam mê của mình. Với piano, việc lựa một chiếc đàn thật sự phù hợp với nhu cầu của bản thân cũng giống như tìm được một người bạn đồng hành ưng ý. Và để sự sát cánh đó được kéo dài xuyên suốt hành trình tập luyện, làm sao để bảo dưỡng chiếc piano của mình một cách tốt nhất?
Bài viết bên dưới sẽ gợi ý cho bạn một số cách thức chăm sóc đàn dương cầm được khuyến khích bởi các chuyên gia & giảng viên. Cùng khám phá nhé!
1. TẠO ĐỘ THÔNG THOÁNG BẰNG CÁC KHOẢNG TRỐNG
Đàn piano được khuyến nghị nên có khoảng trống nhất định xung quanh đàn, để giúp không khí lưu thông và ngăn ngừa tác động khác từ môi trường bên ngoài. Bạn cần tạo một khoảng trống phía sau đàn và thỉnh thoảng mở nắp đàn vào buổi sáng.
Vị trí lý tưởng nhất khi đặt và trưng bày đàn piano trong nhà chính là ở giữa phòng. Đối với đàn upright piano, chúng tôi thường tư vấn khách hàng dựa vào bức tường trong. Đặc biệt tránh những bức tường hướng ra ngoài, nơi ảnh hưởng tác động từ thời tiết và các yếu tố khác và tác động đến tuổi thọ của đàn.
2. CÂN NHẮC VỀ NHIỆT ĐỘ TRONG KHÔNG GIAN ĐẶT ĐÀN
Các sản phẩm đàn piano thường được chế tác bằng gỗ, vì thế bạn cần đảm bảo không gian đặt đàn không có ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Đối với các không gian có cửa sổ, bạn có chuẩn bị thêm các tấm rèm, ngăn ánh nắng và các yếu tố thay đổi nhiệt độ khác.
Hơn thế, hầu hết các sản phẩm đàn dương cầm thường có một lớp hoàn thiện sản phẩm. Vì vậy, bạn cần tránh việc đặt đàn piano ở gần các nguồn nhiệt như lò sưởi, tủ lạnh, thiết bị điện tự phát ra nhiệt độ cao. Việc tiếp xúc quá nhiều nguồn nhiệt độ sẽ phần nào ảnh hưởng đến âm sắc và độ bền của đàn.
Đặc biệt, khi không gian để đàn piano thay đổi nhiệt độ đột ngột từ lạnh sang ấm, hơi ẩm sẽ ngưng tụ trên dây đàn và các bộ phận từ kim loại. Các bộ phận bằng nỉ sẽ hút ẩm và bạn có thể chuẩn bị các phụ kiện hút ẩm hoặc lau khô khác để bảo dưỡng thanh âm không bị mờ hoặc thiếu rõ ràng.
3. DUY TRÌ ĐỘ ẨM CÂN BẰNG
Các bộ phận trong đàn piano được chế tác và sản xuất với tỉ lệ chính xác cao và được tạo thành từ các chất liệu nhạy cảm với độ ẩm. Vì vậy, hãy duy trì độ ẩm phù hợp trong không gian đặt đàn để tăng tuổi thọ cho dương cầm.
Trong môi trường có độ ẩm không ổn định, khiến chất liệu gỗ tại thân đàn xảy ra hiện tượng cong vênh, dẫn đến búa đàn hoạt động không tốt & không đảm bảo cho chất lượng âm thanh, cũng như dẫn đến việc rỉ sét hoặc kẹt dính ở các bộ phận khác.
Tại nơi có khí hậu hanh khô, độ ẩm thấp, các thanh phần bằng nỉ và gỗ sẽ co lại. Hiện tượng này dẫn đến việc bảng cộng hưởng, khớp nối có thể bị bung. Sự biến dạng của các bộ phận sẽ gây ra tiếng ồn và giảm khả năng giữ chắc dây đàn tại các tuning pins. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc các cây xanh nhỏ trong phòng để điều hòa độ ẩm.
Ngược lại, khi khí hậu ẩm thấp hoặc vào mùa mưa, hãy lưu ý đóng kín các cửa sổ tại khu vực đặt đàn và đóng nắp đàn sau khi luyện tập. Bên cạnh đó, sử dụng một tấm vải phủ có chất liệu dày để hút ẩm và được phơi khô cho các lần sử dụng tiếp theo.
4. HẠN CHẾ ĐẶT ĐỒ VẬT NẶNG HOẶC LY NƯỚC TRÊN ĐÀN & GẦN ĐÀN
Thông thường, tại nhiều gia đình sẽ đặt bình hoa hoặc bức tranh lớn lên phía trên đàn piano. Tuy nhiên, các chuyên gia tại Yamaha không khuyến khích cách trang trí này. Trọng lượng nặng của vật dụng sẽ làm giảm độ cộng hưởng của âm thanh và chất lượng truyền thanh. Bên cạnh đó, các ly nước hoặc vật dụng dễ rỉ nước khi để trên bề mặt đàn sẽ dẫn đến việc nước sẽ chảy vào bộ phận bên trong đàn và gây hư hỏng.
Để khắc phục, bạn có thể đặt trên đàn những bản nhạc hoặc máy đếm nhịp metronome. Ngoài ra, khi chất lỏng dính trên bề mặt phím, hãy cẩn thận lau bàn phím và tránh nhấn phím đàn để ngăn chất lỏng chảy vào bên trong. Sau đó, bạn hãy nhanh chóng liên hệ với kỹ thuật viên của Yamaha để được xử lý kịp thời.
5. KHÔNG ĐỂ ĐÀN VÀ PHÍM ĐÀN BỊ BÁM BỤI
Bụi chính là tác nhân gây đến tình trạng bộ action của đàn piano hoạt động không hiệu quả. Bạn có thể nhẹ nhàng loại bỏ bụi & chất bẩn bên ngoài đàn bằng vải mềm hoặc chổi quét. Đặc biệt, cần tránh sử dụng các hóa chất có tính tẩy mạnh, gây ảnh hưởng đến bề mặt bên ngoài của đàn.
Bàn phím của đàn dương cầm nên được lau thường xuyên bằng vải mềm & khô, tránh các sản phẩm có tính cồn sẽ dẫn đến việc nứt & hỏng các phím đàn. Trong trường đàn piano đã lâu không sử dụng, bám bụi quá nhiều, bạn nên làm ẩm khăn và lau nhẹ nhàng. Và trước khi luyện tập, bạn hãy giữ cho đôi tay sạch sẽ để bảo quản và đảm bảo vệ sinh cho phím đàn.
6. LÊN DÂY & CÂN CHỈNH – BẢO DƯỠNG ĐỊNH KỲ CHO THANH ÂM CHUẨN XÁC
Dương cầm là một nhạc cụ tinh tế, cần được bảo dưỡng định kỳ và áp dụng 02 cách chăm sóc chuyên nghiệp cần phải có: lên dây (tuning) & cân chỉnh (adjustment).
Về cơ bản, các dây đàn chịu lực căng rất lớn (mỗi dây chịu khoảng 90kg) và ngay cả khi bạn không chơi, độ căng vẫn luôn tác động đến dây đàn. Theo thời gian, các dây đàn sẽ xảy ra hiện tượng chênh lệch do các tác động khác và cần thực hiện lên dây để điều chỉnh cao độ. Các kỹ thuật viên bảo dưỡng của Yamaha sẽ sử dụng “Búa Lên Dây” (Tuning Hammer) để thực hiện công đoạn này. Sau khi thực hiện lên dây, đàn piano được cân chỉnh về âm vực chuẩn và bạn có thể tiếp tục tập luyện.